Walk-in Closet, giao lộ của nội thất và thời trang

Cá tính, chất riêng của mỗi cá nhân có thể được nhìn thấy, cảm nhận qua phong cách thời trang và “giao diện” không gian sống. Thời trang không chỉ là vẻ bề ngoài, thời trang còn là lối sống, là phương tiện hiện sự sáng tạo và thế giới quan của mỗi người. Chúng ta khoác lên người những bộ quần áo, trang sức cũng tương tự cách sắp đặt nội thất trong ngôi nhà của mình.

Coco Chanel từng nói: “Thời trang cũng giống như kiến trúc, đó là vẻ đẹp của tỉ lệ”. Thế giới thời trang, kiến trúc đã chứng kiến rất nhiều cú “bắt tay” lớn, khi những nhà thiết kế thời trang tham gia vào thiết kế nội thất hay các kiến trúc sư xây dựng những cửa hàng thời trang xa xỉ. Có thể kể đến chiếc túi hàng hiệu cao cấp Whitney Bag của Michael Kors được thiết kế với kiến trúc sư Renzo Piano và Max Mara hay BST nội thất IKEA bởi NTK thời trang lừng danh Virgil Abloh. 

Các dẫn chứng trên là để thấy, thời trang và kiến trúc nội thất đã chia sẻ hành trình phát triển từ lâu. Và nếu có không gian nào thể hiện rõ điểm giao nhau của hai khía cạnh này thì đó chính là Walk-in Closet. Tương tự như những sản phẩm nội thất khác, Walk-in Closet có vai trò rõ ràng, tăng tính thẩm mỹ của công trình nhà ở đồng thời tạo ra sự tiện nghi cho người sử dụng. Walk-in Closet không chỉ bảo vệ trang phục, phụ kiện của gia chủ khỏi bụi bẩn, côn trùng mà còn tạo ra không gian để gia chủ sáng tạo, phối đồ, mở ra thế giới thời trang của riêng mình. 

          

Một bên là trang phục, một bên là không gian, cả hai tạo ra giao điểm, nơi thể hiện cá tính, gu thẩm mỹ và lối sống của mỗi người. Walk-in Closet không phải là một không gian bắt buộc cần có trong cấu trúc nhà ở nhưng lại chính là tuyên ngôn mạnh mẽ của chủ sở hữu. Con người phát triển từ mong cầu “ăn no mặc ấm” đến khát khao được “ăn ngon mặc đẹp”.

Từ nhu cầu mặc đẹp, ta không chỉ muốn đơn thuần khoác những bộ trang phục lên người, mà còn muốn bảo quản, sắp đặt trang phục gọn gàng, phẳng phiu. Nhu cầu cho một không gian ta có thể thỏa thích sáng tạo cùng thời trang, nâng niu những món phụ kiện xa xỉ dường như chỉ xuất hiện khi vật chất đã đủ đầy. Walk-in Closet vì lẽ vậy, mang nhiều ý nghĩa hơn chức năng là một phòng thay đồ.

Chủ nhân của Walk-in Closet Bsmart đang thi công tại Phú Yên là một doanh nhân thành đạt. Căn phòng thay đồ với diện tích lên đến 200m2 là bảo chứng cho những nỗ lực, cho sự thành công và thịnh vượng của gia chủ mà tại đó, sự duy mỹ của gia chủ về không gian nội thất hòa cùng tình yêu thời trang: Là tinh tế, là sang trọng và một cái tôi cá nhân được xã hội tôn trọng. 

>> Xem thêm: Phòng thay đồ – Nốt son trong không gian sống thượng lưu